Vẽ mẫu trực tiếp quan trọng như thế nào? Tại sao vẽ qua ảnh lại dễ hơn

vẽ trực họa

 

 

Bộ môn vẽ chân dung là bộ môn vẽ ở mức độ nâng cao với những bạn nghiên cứu hình họa bằng bút chì. Mẫu vẽ lúc này là mẫu người thật chứ không

còn là những mẫu tượng mô phỏng mặt người nữa. Mức độ khó cho người vẽ được nâng lên khi họ không những phải vẽ sao cho giống về đặc điểm diện mạo, mà còn phải tả được chất da người cũng như thể hiện được biểu cảm, tính cách của mẫu trong bài vẽ của mình.

 

Trước đó nếu đã làm quen với vẽ đầu tượng, bạn chắc sẽ hiểu được tỷ lệ, đặc điểm ngũ quan đóng vai trò rất quan trọng để thể hiện được chính xác mẫu. Khi bắt đầu học vẽ chân dung, bạn có thể luyện tập quan sát, tập quen với việc thể hiện mẫu người thông qua việc vẽ theo ảnh hay trực họa (vẽ trực tiếp với mẫu người). Cả hai cách vẽ đều giúp cho bạn rèn luyện khả năng quan sát đặc điểm con người để dần làm quen và thể hiện bài vẽ được chính xác nhất.

Vẽ theo ảnh thuận lợi khi mà bạn có rất nhiều nguồn cũng như đa dạng về mẫu vẽ, khi bạn có thể dễ dàng tìm kiếm được hình ảnh của bất cứ ai, từ những người thân trong gia đình, cho đến những người nổi tiếng trên khắp thế giới. Cũng có thể nói vẽ theo ảnh là vẽ dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia, khi mà các yếu tố như đặc điểm, biểu cảm của mẫu cũng như không gian, ánh sáng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào bức ảnh chụp mẫu. Vẽ theo ảnh chụp cũng có thể cho ta thấy được đa dạng những biểu cảm và cảm xúc của mẫu người khi mà máy ảnh có thể linh hoạt bắt được những khoảnh khắc đó. Tuy nhiên, ta cũng không nên quá phụ thuộc vào cách vẽ này vì bản chất của việc vẽ là quá trình sáng tác của riêng mỗi người, và máy ảnh cũng chỉ là một công cụ chứ không thể thay thế hoàn toàn đôi mắt và trí óc của chúng ta đúng không bạn?

Đối với việc vẽ chân dung trực họa, chính người vẽ sẽ là người chủ động với chọn góc nhìn, thể hiện không gian vẽ và nắm bắt đặc điểm của mẫu vẽ. Quá trình quan sát lúc này cần nhiều thời gian và đòi hỏi người vẽ có sự quan sát tỉ mỉ cũng như phân tích kỹ lưỡng mẫu vẽ, qua đó việc nâng cao kỹ năng vẽ chân dung cũng hiệu quả hơn rất nhiều. Có thể nói nếu đã muốn theo đuổi bộ môn vẽ chân dung thì kỹ năng trực họa là không thể thiếu. Trực họa còn như một quá trình giao tiếp gần gũi giữa người vẽ với mẫu vẽ, khi mà cảm xúc thể hiện trong bức vẽ không chỉ đơn thuần là biểu cảm của mẫu mà còn do tâm tư, cách thể hiện của người vẽ tạo nên tại chính thời điểm vẽ. Dịch giả Trịnh Lữ trọng một bài viết về chân dung cũng có nói vẽ chân dung là: “vẽ người làm mẫu cho mình, ghi lại dung mạo của người ấy như mình nhìn thấy, cảm thấy, ở những giây phút người đó “ngồi làm mẫu” cho mình. …, là “mắt nhìn tay vẽ” chân thực tự nhiên, với ánh sáng ban ngày tạo nên mọi thứ sáng tối mầu sắc. Điều đặc biệt nhất là khi ngồi làm mẫu vẽ, dung mạo ai cũng đổi khác so với những lúc giao tiếp với mọi người. Ngồi lặng lẽ như chỉ có một mình, ai cũng như chỉ còn đối diện với chính mình. Dung mạo lúc ấy quả thật rất khác. Không phải đon đả cười nói với đời nữa. Không cần giả bộ này bộ kia làm gì nữa. Những ý nghĩ riêng tư kín đáo nhất sẽ hiển lộ trong vẻ mặt, từ khóe miệng, nét mày, ánh mắt, đến dáng ngồi… Đấy, mình thích tạo hình cái dung mạo bộc lộ tâm tính ấy của người mẫu, đơn giản là vẽ đúng những gì mình nhìn thấy ở người mẫu trong buổi ngồi vẽ.”

Bài viết khác