Tranh Đông – sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc

Tranh Đông Hồ từ lâu đã nổi tiếng trong dân gian với nét đẹp độc đáo từ màu sắc, bố cục, khuôn mẫu cho tới ý nghĩa trong tranh.

Tranh Đông Hồ từ lâu đã nổi tiếng trong dân gian với nét đẹp độc đáo của màu sắc, bố cục, khuôn mẫu cho tới ý nghĩa trong tranh.

Từ xa xưa, tranh dân gian Đông Hồ đã là vật không thể thiếu trong các gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về. Những bức tranh khắc họa hình ảnh cuộc sống bình yên, ấm no và các phong tục tập quán của người Việt thường được lựa chọn treo vào ngày Tết để cầu mong một năm mới bình an, phát tài phát lộc, cuộc sống đủ đầy và vạn sự như ý.

Đến ngày nay, từ môi trường giáo dục bậc tiểu học, chúng ta cũng không còn xa lạ với những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như: Lợn đàn, đàn gà, đám cưới chuột, thầy đồ cóc, chăn trâu thổi sáo, chuột rước đèn,… khi dòng tranh này được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Hôm nay, hãy cùng Dạy Vẽ Trên Vải tìm hiểu và khám phá sâu hơn những nét đẹp của dòng tranh Đông Hồ nào.

Đôi nét về tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Đông Hồ hay còn gọi là tranh khắc gỗ Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam nổi tiếng, lâu đời ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh được in từ ván khắc gỗ, nên số lượng màu sắc trong tranh sẽ tương ứng với số ván khắc gỗ. Cũng giống như một số dòng tranh dân gian nổi tiếng khác như: Tranh làng Sình, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Nam Hoàng,… tranh Đông Hồ cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận của đôi bàn tay người nghệ nhân.

Tranh Đông Hồ được khắc trên ván gỗ rồi in lên giấy điệp

Sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc

Nội dung trong tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc, toàn diện đời sống tinh thần, vật chất của con người và xã hội. Những bức tranh dân gian Đông Hồ khắc họa tài tình ước mơ ngàn đời của người lao động về một gia đình ấm no, thuận hòa, hạnh phúc, một xã hội công bằng, tốt đẹp.

Theo TS Trần Đình Luyện, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh: Tranh dân gian Đông Hồ là một sản phẩm của xã hội nông nghiệp cổ truyền, một dòng tranh bình dị tự nhiên, gắn liền với phong tục, tập quán, sinh hoạt, nếp nghĩ và phù hợp với tâm lý, nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của người nông dân Việt Nam xưa: Vừa dung dị, gần gũi, vừa sâu sắc, triết lý, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, đến nay đã trở thành một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Với những nội dung phong phú, đa dạng, tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là di sản vô cùng quý báu trong kho tàng nghệ thuật dân tộc, mà đã có một vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật thế giới.

Bài viết khác