KHỐI TRONG YẾU TỐ THỊ GIÁC
Khối trong yếu tố thị giác
1. Khối là gì?
Khối là vật thể có ba chiều có định hình hay không định hình nhưng bản thân nó chiếm một khoảng không gian vật lý có thể đo lường được.
Về mặt lý luận thị giá thì khối đặt cho tư duy chúng ta một số vấn đề mà chúng ta sẽ phải nghiên cứu:
Độ nở hoặc thể tích tức là quy mô của khối, khoảng không gian mà một khối nào đó chiếm được gọi là thể tích hay trương độ, độ nở của khối.
Thí dụ chúng ta có một quả bóng đá có khả năng chứa ba kg hơi. Vậy ba kg hơi là trương độ lý tưởng của quả bóng. Nhưng nếu chúng ta bơm dưới ba kg thì độ căng giảm, chúng có cảm giác là khối bị mềm hay nhão đi.
– Cấu trúc của khối.
– Hình thể, chiều hướng của khối.
– Cảm giác vật lý do chất liệu của khối tạo ra.
– Cảm giác về hình của nó trong không gian.
– Khả năng mô đun hóa và liên kết của mỗi loại khối.
– Khả năng biến dạng và chịu lực kể cả tính tạo hình khi biến dạng hoặc bóp méo.
– Khả năng tiếp nhận ánh sáng của khối.
Trong lĩnh vực toán học thì khối có thể xuất hiện dưới dạng hình nét như sợi kẽm, dưới dạng các diện được lắp ghép lại hay dạng khối đúng nghĩa (khối đặc hay khối rỗng).
– Cũng trong toán học thì khối có thể được hình dung như là một diện đang chuyển động gây cảm giác nhiều diện, chồng lớp, chồng nhiều tầng, gợi nên cảm nhận về khối.
– Cảm giác vật lý do chất liệu của khối tạo ra nghĩa là mỗi chất liệu như mịn, bóng, xù xì, trong, đục sẽ cho ảo giác về độ lớn, độ mềm cứng của khối.
– Cảm giác về hình trong không gian do đặc điểm về cấu trúc, cách nhìn, tầm nhìn tạo ra nghĩa là khả năng nhìn thấy khối tùy theo cách nhìn.
2. Khối và cấu trúc:
– Cấu trúc là kiểu thức liên kết, tổ chức vật chất ở bên trong để tạo thành hình dạng để thực hiện một số công năng, đặc điểm vật thể nào đó.
– Cấu trúc của khối là cách thức liên kết các loại diện, mặt phẳng, cạnh góc, khoảng trống nội tại của khối theo chiều hướng nào đó trên cơ sở cấu tạo riêng của các góc.
Mỗ loại khối có một số kiểu cấu trúc khác nhau. Mỗi kiểu cấu trúc sẽ cho ra hệ thống không gian hay khung sườn bên trong có khả năng tạo nên sức chịu lực khác nhau đồng thời tạo thành lớp vỏ bên ngoài, thành nhiều diện liên kết với nhau và có khả năng bắt sáng khác nhau….
Do đó, trong nghệ thuật kiến trúc, chúng ta sẽ gặp thuật ngữ “sức mạnh của cấu trúc”.
Thông thường độ chịu lực của một khối vốn tùy thuộc vào các yếu tố: cấu trúc bên trong, tỷ lệ cân đối, kỹ thuật kết cấu sườn, quy cách, chất liệu của cá thanh làm sườn, chất liệu tạo nên khối cấu trúc của chất liệu làm bề mặt khối.
Chúng ta có thể quan sát và nhìn thấy hiện nay một số hình, kiểu mái đón hoặc mái che của các công trình kiến trúc thường được thiết kế, thực hiện theo dạng những “mô-đun” dạng khối chóp bằng thanh kim loại liên kết lại (thường bằng inox hoặc thép) tạo thành.
Trong thực tế ứng dụng của các lĩnh vực kiến trúc, lĩnh vực thiết kế tạo dáng sản phẩm, người ta có nghiên cứu sáng tạo nên một số dạng khối đơn giản coi nó như là những “đơn nguyên” sau đó, lắp ráp phối hợp chúng với nhau theo dạng thức nào đó để tạo ra kiểu sáng sản phẩm. Cũng có trường hợp người ta chỉ sử dụng một phần khối lượng hay hình khối của một đơn nguyên: ½, 1/3, ¼ để tạo dáng các sản phẩm.
Từ đó, chúng ta có những hình thái của khối: một phần của khối nguyên vẹn, khối chồng lớp, khối lắp ghép, liên kết khối, xếp liền kề theo nhiều kiểu, nhiều cách và nhiều hướng khác nhau.
Khối tiếp xúc ánh sáng tạo nên những khả năng bắt sáng tạo sự tương phản của các diện, mảng chuyển động tùy theo đặc điểm của cấu trúc, chiều hướng cộng với vị trí tác động của nguồn sáng tùy vào quang lượng mạnh hay yếu cũng như loại chất liệu tạo nên bề mặt của khối tạo thành những nhịp điệu của khối.
Ngoài những khối có định hình thì chúng ta có những hình thái chuyển biến của khối như: phình nở, thắt xòe, vặn xoáy hay cuộn tròn có khả năng tập hợp các mảng sáng tối khác nhau tạo nên những biến hóa của nhịp điệu, gia điệu, tiết tấu của ánh sáng.
Sự tập hợp của bóng tối, ánh sáng tạo nên nhịp điệu thị giác, nhi-j điệu của ánh sáng trên các công trình kiến trúc và điêu khắc đều do sự chú ý của các nhà sáng tác.
Người nghệ sỹ, nhà thiết kế, nhà kiến trúc phải có được khả năng chủ động, tiên liệu về sự thay đổi của ánh sáng thiên nhiên theo thời gian hay ánh sáng nhân tạo theo sự bố trí của nhà kiến trúc hay điêu khắc gia đều do sự chủ ý của các nhà sáng tác.
3. Các loại khối:
Trước hết, chúng ta có thể kể hai loại khối trong lĩnh vực toán học và trong đời sống. Đó là khối theo quy ước và khối bất định hình hay còn gọi là khối không quy ước.
a. Khối theo quy ước: là các dạng khối kể được tên như trong lĩnh vực hình học: khối vuông, khối chữ nhật, khối tam giác, khối trụ, khối tròn, khối đa giác.
Mỗi loại khối có những cấu trúc, đặc tính về ngoại hình, thế dáng của hình, diện, khả năng bắt ánh sáng và mức độ gây những cảm giác thị giác khác nhau:
– Khối lập phương là khối được tạo nên bởi sáu hình vuông giống nhau mà mỗi hình vuông là một hình có bốn góc vuông và bốn cạnh dài bằng nhau, các trục của hình và khối có sự thăng bằng ổn định. Do đó, khối vuông gợi cho chúng ta cảm giác về sự đầy đủ, vững chãi.
– Khối chữ nhật là khối lập phương bị biến dạng bởi chúng có chiều dài của hình, từng cặp khác nhau (hai dài, hai ngắn) chứ không phải bốn cạnh có chiều dài bằng nhau. Do đó, nó có vẻ “động” hơn khối lập phương.
– Khối tam giác có nhiều dạng, tam giác cân, tam giác đều hay tam giác vuông góc. Xuất phát từ đặc điểm là sự kết hợp bởi bốn hình tam giác mà mỗi tam giác thì có ba cạnh có khi đều nhau và có khi không đều nhau cũng như sự biến đổi của các góc.
Cho nên, khác với khối lập phương, khối chữ nhật, khối tam giác gợi cảm giác không ổn định, tính động của nó cao hơn. Vì vậy sức căng về độ ly tâm của nó rõ hơn hai loại khối lập phương và chữ nhật.
– Khối tròn là khối có khi nội tiếp hoặc ngoại tiếp với khối vuông, khối lập phương. Vì thế, nó cũng có vẻ đầy đặn trên cơ sở cảm giác chuyển động liên tục, đa chiều động nhưng trên cơ sở sự ổn định cao. Nó được gọi là khối vô hướng.
– Khối quả trứng là sự biến dạng của khối tròn, nó được kết hợp tối thiểu bởi ba khối tròn to, nhỏ khác nhau. Từ đó nó tạo nên sức căng đều về hai phía. Nếu là khối quả trứng dạng elip đều ở hai đầu, ngược lại sẽ có sức căng, ly tâm không đều nếu hai khối ở hai bên không đối xứng với nhau. Ở khối quả trứng, nếu quan sát sự chuyển động theo trục dài thì nó gợi cho chúng ta một sự xoay tròn theo dạng xoáy trôn ốc.
Trong khi khối trụ có sự chuyển động đều về hai hướng trên và dưới thì khối chóp, khối nón lại chuyển động về có một hướng với tốc độ không đều nhau nhưng chúng cũng cho thấy thế vững chãi.
Nói chung mỗi khối cho chúng ta cẩm nhận về cấu trúc, diện, khối, hình thể, sức chuyển động, sự thăng bằng và khả năng bắt ánh sáng khác nhau.
b. Khối bất định hình, khối không theo quy ước:
Đây là những dạng khối không theo bất cứ quy luật kỷ hà nào cả, nó không giống ai nghĩa là nó không có quy ước, không thể gọi tên. Nó là những hình khối kỳ dị.
c. Khối vô hướng và khối có hướng:
Khối vô hướng là thuật ngữ nói về khối tròn hay còn gọi là khối cầu. Bề mặt của nó được xác định là quỹ tích của các điểm cách đều một điểm cho trước, một đoạn thẳng cho trước. Nó có diện tích bề mặt hẹp nhất (đỉnh khối) với một thể tích lớn nhất. Nó là dạng khối có cấu trúc khép kín: tượng trưng cho sự đủ đầy, tròn đầy, viên mãn; bản thân nó gây cảm giác cân bằng và có vẻ tĩnh, tượng trưng cho âm tính. Nó được gọi là khối vô hướng tuy nhiên nếu chúng ta bóp dẹt hay kéo giản khối cầu biến dạng thì nó trở thành khối có hướng.
– Khối có hướng là tên gọi các khối: vuông, chữ nhật, tam giác, chóp, trụ, bầu dục, đa giác…
– Khối vuông có cấu trúc các cạnh bằng nhau và bốn góc cũng bằng nhau thật đều đặn của bốn phương, tám hướng gợi nên sự vững chắc, tượng trưng cho dương tính. Bốn góc vuông gắn liền với sức hút của trái đất tạo nên thế vững chãi, đầy đủ, tĩnh lặng.
– Khối chữ nhật là biến thể của khối vuông, hướng của nó quay theo cạnh có chiều dài. Nếu ở tư thế đứng, nó tạo cảm giác vươn lên, uy nghi, gợi nam tính, nếu theo tư thế nằm thì nó tạo nên cảm giác vững chắc theo chiều ngang, gợi cảm giác yên nghỉ, gợi nữ tính.
– Khối tam giác là khối có vẻ động hơn các khối tròn, khối vuông và chữ nhật bởi lực của nó luôn hướng về các góc. Do đó, nó có vẻ không hoàn chỉnh hơn các khối nói trên.
– Khối bầu dục hay còn gọi là quả trứng gợi cảm giác về sự kết hợp bởi ba khối cơ bản là khối cầu, khối vuông và tam giác. Nó gợi cảm giác về sự chuyển động. Loại khối này giống như khối cầu bị kéo giãn ra.
Từ các khối nói trên chúng ta có thể phối hợp, liên kết tạo ra khối khác như: vuông kết hợp với tam giác thành khối chóp dạng kim tự tháp. Khối tròn kết hợp tam giác thành khối chóp hình nón…
Ngoài ra, chúng ta còn có hai thuật ngữ nữa có liên quan đến khối, đó là nội không và ngoại không.
– Nội không chính là thuật ngữ nói đến không gian ở bên trong, là thể tích bên trong của một khối, nó tương đương với thể tích và trương độ (độ nở) của khối.
– Còn ngoại không là khoảng không gian bao bọc bên ngoài lớp vỏ của khối ấy.
Có 2 dạng ngoại không: Loại có thể đo lường được và loại không thể đo lường được.
– Gọi là “ngoại không có thể đo lường được” là trường hợp một khối nhỏ nằm trong một khối lớn có hình dạng vật lý cụ thể.
Thí dụ: Khối vuông 1 m x 1m x 1 m nằm trong căn phòng 4 m x 4 m x 3,5m. Loại “ngoại không, không thể đo lường hay ước lượng được” bởi vì nó là một khoảng không gian không định hình và tràn lan ra không gian bất tận ở bên ngoài. Thí dụ một khối tròn đặt ngoài trời, khi ấy ngoại không là không gian bất định, vì nó không có giới hạn.
4. Khối lồi và khối lõm:
Trên thực tế ở các công trình kiến trúc hay điêu khắc hiện đại chúng ta thấy rằng có ứng dụng các dạng khối lồi và khối lõm hay còn gọi khối dương hay khối âm.
Thí dụ phần không gian lõm do hành lang mặt tiền công trình kiến trúc tạo ra. Những khối này được thiết lập thành những chuỗi liên tục tạo thành những bộ phận của các công trình kiến trúc hoặc điêu khắc tạo nên một hay chiều chuỗi chuyển động của các diện lồi lõm. Chúng được phân bố theo những chiều hướng lặp đi lặp lại thành những chuỗi chuyển động của những mảng sáng tối sinh động.
Nếu phân tích dưới góc độ các cảm xúc thị giác về lực và hướng chuyển động do khối này tạo ra cho cảm xúc thị giác thì chúng ta có những đúc kết sau:
– Khối lồi có đặc điểm là lực tác động đến hướng từ trong ra ngoài ở dạng thẳng hay cong theo những chiều hướng khác nhau.
– Khối lõm thì hướng và lực chuyển động từ ngoài hướng vào cũng theo những chiều hướng nhất định tùy vào cấu trúc của khối.
Trên thực tế, khối lồi, lõm chính là sự biểu hiện của hình khối kiến trúc hay của tác phẩm điêu khắc mà nhà kiến trúc hay nhà điêu khắc cố tình tạo ra.
5. Khối và các vật thể:
Trong không gian, trong đời sống, sự vật cụ thể nào đó cũng đều được cấu tạo bởi một hay nhiều hình khối nhất định. Mỗi vật thể có các khối liên kết với nhau theo một dạng cấu trúc nào đó.
Do vậy khi thực hành vẽ hình họa các vật thể các giảng viên yêu cầu học viên quan sát kỹ, phân tích để nắm bắt cho được hình khối, cấu trúc, đường trục, thế dáng, sự thăng bằng, các diện và khả năng bắt sáng của chúng.
Thí dụ hình khối của cái chai là sự liên kết của hai loại khối: khối cầu và khối trụ. Cổ chai là khối trụ nhỏ, thân chai là khối trụ lớn còn vai của chai là ½ khối cầu (tư thế úp xuống), chúng được nối kết với nhau thông qua một trục đứng.
6. Mối quan hệ giữa khối nội không và ngoại không:
Trong khi vẽ hình họa, người học viên phải vẽ nét tổng thể về bề ngoài của một đối tượng, bằng các nét vẽ phác hay thâm diễn.
Loại đường nét xác định cho sự tiếp giáp giữa nội không và ngoại không hay giữa hình vẽ và nền phông được gọi là đường viền.
Đường viền dược coi như là sự hiển thị “lớp vỏ” của vật thể nhằm giới hạn thể tích bên trong của vật thể ấy với không gian bên ngoài.
Trong phương pháp diễn tả nét thì đường viền phải được thể hiện sao cho ngay ở bản thân nó tạo được sự liên kết nhuần nhuyễn giữa khối nội không và ngoại không. Nó có nhiệm vụ làm cho hình vẽ của vật thể và nền phông phải được hiển thị trong mối liên kết, hòa hợp một cách nhẹ nhàng, tinh tế với không gian bên ngoài của chúng chứ không phải là những nét vẽ đều nhau, cứng cáp như là sợi kẽm làm cho vật thể và nền phông tách bạch nhau một cách khô cứng, thiếu thẩm mỹ.
Do đó, yêu cầu là đường viền phải được diễn tả thông qua sự nhấn nhá của nét bút. Nét bút phải thể hiện độ nhấn thật sinh động, lúc mạnh lúc yếu, lúc ẩn lúc hiện, lúc rõ lúc mờ thật hợp lý.
Sự tinh tế, uyển chuyển lúc ẩn lúc hiện là yêu cầu quan trọng mà người vẽ phải đạt được trong khi vẽ diễn tả các đường viền trong suốt quá trình vẽ hình họa.
Một họa sỹ nào đó đã nói lên được tính chất cốt lõi của đường viền trong khi họa sỹ buộc miệng than rằng: “Đường viền chạy trốn tôi”.
Câu “Đường viền chạy trốn tôi” là một đúc kết rất tốt trong việc diễn tả mối quan hệ giữa vật thể khối và không gian bên ngoài được thể hiện thông qua hình tượng đường viền liên tục lúc ẩn, lúc hiện như đang trốn chạy cái nhìn của mọi người đang nhìn ngắm nó trên bề mặt của khối.
Chúng ta có thể so sánh đường viền như là lớp vỏ của bản thân đối tượng được vẽ (hay hình khối) và ngay cả trong hình vẽ về đối tượng ấy.
Trong khi vẽ hình họa nếu học viên không gợi được những đường viền loại này với đầy đủ sự sinh động (như là nó đang chạy trốn) trong bài tập của mình thì sẽ không thể nào tạo được sự hòa hợp tinh tế giữa vaatjt hể của khối được vẽ với không gian bên ngoài. Lúc đó sẽ gợi ra tình huống hình của vật thể được vẽ dường như không dính vào nền, không hòa quyện vào không gian xung quanh. Nghĩa là nó có vẻ cứng, đều như sợi kẽm.
7. Khối bên trong, khối bên ngoài và không khí trong tranh:
Cũng như trong khi vẽ hình họa, không gian, không khí trong tranh được các họa sỹ diễn tả hay tạo ra thông qua việc sử dụng màu sắc hay một số thủ pháp nào đó.
Sự hiển thị tinh thần của không gian trong tranh có thể tác động, gợi nên trong chúng ta (những người quan sát, nhìn ngắm) những cảm giác, những trạng thái tình cảm phong phú của bầu không khí như: chói lọi, rạng rỡ hay u ám; mờ ảo, lung linh hay tách bạch; mạnh mẽ, dữ dội hay mềm mại, dịu dàng….
Như đã nói ở trên, tính chất và tinh thần của khối, của vật thể được diễn tả do mức độ căng, nở tách bạch với nền, với không gian hay có sự mềm mại quyện chặt vào nhau, lúc ẩn lúc hiện thật tinh tế.
Những trạng thái này có được là do mỗi họa sỹ có sự diễn tả khác nhau về mối quan hệ giữa nội không và ngoại không thông qua cách biểu đạt của các mảng nền và đường viền, trong đó có sự biểu hiện của đường nét, ánh sáng và màu sắc.
Thí dụ họa sỹ Renoir của Phái Ấn tượng đã tạo hình khối cơ thể của các người nữ khỏa thân rất mềm mại đến độ khối người nhòe lẫn vào không gian. Từ đó, trong tranh của ông có bầu không khí luung linh mờ ảo, gợi cho chúng ta cái cảm giác như trong không gian mềm mại đang có độ rung kỳ diệu.
Trái lại, ở họa sỹ Đỗ Quang Em của Việt Nam chúng ta thì vẽ hình khối, độ nở của nhân vật nữ, các đồ vật luôn có sự căng tròn, tách bạch với nhau; tách với không gian, không khí bao trùm bên trong tác phẩm.
Vì thế, không khí trong tranh được hiểu như là:
– Không khí chính là sự linh động hóa trong tranh làm cho nó phù hợp với không gian, thời gian, địa điểm và chủ đề của tác phẩm. Nó là phần ảo, là do kết quả tổng thể tạo ra.
– Không khí chính là hơi thở của tác phẩm, nó được diễn tả thông qua những khoảng trống vật lý và tài năng diễn tả sự biến hóa của các chất liệu, màu sắc, thủ pháp và phong cách nghệ thuật.
Sẽ không có bầu không khí tốt nếu không có không gian và các khoảng trống cần thiết trong tranh.
Trên thực tế, có khi vẽ một chân dung với khuôn mặt mà thôi nhưng không gian rất hẹp. Khi ấy họa sỹ có thể dùng một số thủ pháp để gợi không khí, tạo độ rung để làm giảm độ nở, làm mềm, tạo nên sự mờ ảo của khối vật thể: khi ấy khối dường như nhòe lẫn vào nền: nhưng chắc chắn khó tạo nên bầu không khí hoàn hảo.
Không khí có được là do hiệu quả của các sử dụng, điều phối màu sắc, độ cứng mềm của khối, độ rõ mờ hay lung linh của vật thể hoặc thủ pháp riêng của mỗi người. Nó là kết quả của cách diễn tả mối quan hệ giữa vật thể và môi trường xung quanh.
Không khí hòa với không gian trong tranh gây nên những hình thái không gian: lung linh, mờ ảo, tráng lệ, u tối, rạng rỡ hay trầm mặc, nhẹ nhàng hoặc nặng nề.
8. Khối và hệ thống chủ đạo trong tác phẩm:
Trong quá trình thể hiện ý tưởng của một tác phẩm bằng các yếu tố thị giác thì người họa sỹ hay nhà thiết kế phải xác định cho được hệ thống chủ đạo của ngôn ngữ thị giác trên cơ sở phải biết các nhóm ý tưởng, các cụm hình thể chính phụ.
Các yếu tố chủ đạo tạo thành hệ thống chủ đạo trong tác phẩm bao gồm:
– Đường nét chủ đạo;
– Màu chủ đạo;
– Chủ sắc;
– Chất liệu chủ đạo;
– Khối chủ đạo.
Tất cả các cái gọi là hệ thống chủ đạo này, nếu được xác lập và phối hợp tốt sẽ giúp cho việc diễn tả nội dung tác phẩm một cách có hiệu quả.
Khối chủ đạo giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong định hướng tư duy tạo dáng sản phẩm. Bởi lẽ sản phẩm nào cũng phải được thiết kế trên cơ sở tìm cách sáng tạo, liên kết, kết hợp các khối một cách thông miinh và thích hợp nhất giữa kết cấu bên trong và kiểu dáng bên ngoài trên cơ sở hiểu rõ về những loại khối với đầy đủ các khả năng của nó từ chịu lực cho tới tạo hình, tạo không gian.
Đặc biệt là khi cần sử dụng khối để xây dựng một sản phẩm mà bản thân nó bao gồm nhiều công năng chứ không còn độc nhất một công năng.
Do đó, tư duy về tạo dáng bằng cách sử dụng các khối phải đặt trên cơ sở công năng, thông số kỹ thuật, kết cấu, kiểu dáng và khả năng biến hóa, lắp ráp thật tinh tế, dễ dàng trong nhiều tình huống như là các đồ chơi trẻ em.
Trên đây là một số vấn đề có liên quan đến khái niệm “khối” như là một yếu tố thị giác. Chúng ta nghiên cứu nó để có cái nhìn tổng quan về những đặc điểm cũng như tìm hiểu những vấn đề có liên quan, để từ đó có thể vận dụng tốt những ưu điểm của yếu tố này trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác.
Minh họa về khối trong sản phẩm, trong điêu khắc và kiến trúc.
Trong quá trình nhìn ngắm, quan sát, vẽ phác, dựng hình và diễn tả bóng thì ngay trong ý nghĩ và dựng hình thì người vẽ phải thực hiện ý tưởng quy khối để diễn tả hình khối, ánh sáng và không gian cho đối tượng được vẽ
Tượng của nhà điêu khắc Trung Quốc MU BOYAN
Tượng của nhà điêu khắc Trung Quốc LIU XUE
Tượng “Thiếu nữ” 1932 của nhà điêu khắc Pháp GASTON LACHAISE