Giới thiệu nghề vẽ truyền thần

Vẽ truyền thần là gì và cách vẽ bức tranh truyền thần

Tranh truyền thần là gì?

Tranh truyền thần là một thể loại hội họa mà người họa sĩ truyền lại cái “thần” của người được vẽ, tức là truyền đạt được cảm xúc, thần thái thông qua tác phẩm.

Để vẽ lại một bức ảnh đòi hỏi người họa sĩ phải có ý chí kiên trì, cần mẫn, tập trung cao độ, bức ảnh sau khi hoàn thành không chỉ giống với ảnh được chụp mà còn phải truyền được thần thái của con người đó. Quan trọng nhất đó chính là đôi mắt của người được vẽ mà người họa sĩ gọi là điểm nhãn, đó chính là nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào khác thực hiện được.

Một số dụng cụ vẽ tranh truyền thần

Một số bút lông Tàu

+ Bút lông Tàu được sử dụng nhiều cách cùng với nhiều kích cỡ khác nhau nhưng chủ yếu dùng để đánh bóng hình khối, mảng cho tròn đầy từ nét nhỏ cho đến nét lớn sau khi kẻ bằng bút tre.

*

Sử dụng bút lông Tàu để vẽ tranh truyền thần

Một số đũa tre

+ Đây cũng là loại này là dụng cụ vẽ tranh truyền thần được sử dụng chính cho vẽ truyền thần. Với loại dụng cụ này thì bạn nên tìm loại tre vừa, không già nhưng cũng không non chẻ làm bút.

+ Tùy theo nét to nhỏ mà gọt làm bút vẽ, sau khi gọt xong thì bạn nên dùng răng cắn đầu bút cho xơ ra để có thể giúp bút bám màu tốt hơn. Khi vẽ tranh này thì bạn dùng khoảng 10 loại từ to đến nhỏ để hỗ trợ trong lúc vẽ.

Bông gòn, giấy cuốn bút

+ Tốt nhất, bạn nên mua loại bông tốt và mịn, đồng thời bạn nên dùng giấy cuốn thành bút như loại kèn lá chuối mà trẻ con thường chơi.

+ Với dụng cụ vẽ tranh truyền thần này thì bạn cũng cuốn nhiều loại từ to đến nhỏ, để chấm nhiều màu để vẽ. 2 dụng cụ này thường dùng để vẽ phông và đánh bóng.Màu bột các loại

+ Hiện nay, màu bột có sẵn ở thị trường nên bạn dễ dàng tìm đến cửa hiệu bán dụng cụ vẽ tranh truyền thần để có thể chọn các loại màu bột tốt, mịn.

+ Nhưng nếu vẽ đen – trắng thì nên pha thêm màu xanh dương cùng với màu xanh lá sẽ giúp cho bức tranh khi vẽ xong sẽ tươi mát hơn, mượt mà hơn và trong suốt hơn.

Giấy canson Pháp, gấm, lụa

+ Cũng tùy theo nhu cầu của từng người mà chọn dụng cụ vẽ tranh truyền thần sao cho phù hợp nhất.

+ Loại giấy canson Pháp là loại tốt nhất để vẽ truyền thần, vì nó sẽ giữ màu lâu, ít bị ẩm mốc, vẽ nhanh cùng với độ ăn màu tốt và hình lên đẹp.

+ Đồng thời, bạn cũng có thể vẽ trên gấm hoặc lụa mịn, nhưng lưu ý là phải căng thật phẳng khi vẽ nhé.

*

Sử dụng giấy canson Pháp để vẽ tranh truyền thần

Cục tẩy, cây nhôm gắn tẩy

+ Khi vẽ tranh truyền thần thì bạn nên mua loại tẩy thật tốt để tránh làm hỏng giấy khi tẩy và bạn có thể cắt nhỏ để tẩy các chi tiết nhỏ.

+ Tốt nhất là bạn nên chế 1 loại bút kẹp bằng nhôm và cắm cục tẩy vào đầu bút để xóa cho dễ dàng hơn. Ngoài ra, loại bút tẩy này cũng có công dụng giúp làm bút để kẻ trắng cho da, tóc, lông hoặc làm phông,…

Kính lúp phóng đại

+ Vẽ tranh truyền thần thì bạn nên dùng kính lúp để phóng đại các loại ảnh quá nhỏ hoặc cũng có thể chụp lại để phóng ảnh lớn hơn.

Thước gỗ chữ T, thước mica

+ Thước gỗ chữ T thường được dùng để kê tay khi vẽ, còn thước mica được dùng đo kích cỡ giấy và được dùng để kê khi rọc giấy cho thật thẳng.

Dao rọc giấy

+ Đây là dụng cụ vẽ tranh truyền thần không thể thiếu, vì nó dùng để rọc giấy cùng với 1 số đinh mũ để ghim giấy vào bảng vẽ.

Độc đáo nghề vẽ tranh truyền thần

(ANTV) –  Ngày nay với sự ra đời của nhiều máy ảnh, điện thoại chụp hình nên việc lưu giữ hình ảnh bằng nghề vẽ tranh có lẽ đã dần bị mai một. Thế nhưng, đâu đó giữa lòng thủ đô Hà Nội, vẫn không khó để chúng ta tìm ra những cửa hiệu vẽ truyền thần của những người họa sĩ già, đã cống hiến cả đời người với việc cầm cọ, vẽ tranh.

 

Để vẽ nên một bức tranh truyền thần đẹp, đòi hỏi người họa sĩ phải hết sức khéo tay, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng nét vẽ. Đặc biệt, loại giấy sử dụng để vẽ không phải là giấy A4 thông thường, mà phải sử dụng giấy Roki và giấy Canson. Giấy Roki có mặt trơn nhẵn có thể dùng để vẽ kỹ thuật, vẽ màu sáp, màu chì. Giấy Canson có mặt sần sùi, nhiều loại vân tạo độ nhám cho giấy nên rất thích hợp để vẽ màu nước.

Bút vẽ cũng hết sức đơn giản, hoàn toàn có thể là những chiếc bút thủ công do chính các nghệ nhân tự tay làm, thân bút được làm từ que che, đầu vẽ có thể bằng chân hương, bông gòn và màu vẽ là bột than, muội đèn.

Cái khó của việc vẽ truyền thần là người họa sĩ vẽ dựa trên chất liệu bức ảnh cũ. Thậm chí có những bức ảnh đen trắng đã từ lâu, nhưng người họa sĩ vẫn phải vẽ làm sao cho giống, vẽ cho ra cái hồn của bức tranh. Theo các nghệ nhân chia sẻ, trung bình để vẽ một bức tranh hoàn thiện sẽ mất thời gian từ 3 đến nửa tháng tùy thuộc vào kích thước và sự tỉ mỉ của mỗi bức tranh.

Nghề vẽ tranh truyền thần không những giúp chúng ta lưu giữ lại những khoảnh khắc, những giá trị truyền thống của dân tộc. Mà còn hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế, trở thành điểm sáng trong du lịch Việt Nam, khi hầu hết du khách đặt chân đến Việt Nam luôn muốn tìm hiểu và khám phá về nghề vẽ tranh truyền thần.

Vẫn biết đây là nghề truyền thống của dân tộc, với bề dày lịch sử hàng trăm năm nay. Nhưng đứng trước sự thay đổi và hiện đại hóa của đất nước. Nghề vẽ tranh truyền thần đã và đang dần mai một. Nên mong mỏi lớn nhất của các nghệ nhân đó là sẽ có được những lớp trẻ nối nghiệp của cha ông, giữ vững nghề truyền thống của dân tộc. Bởi nghề vẽ truyền thần không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn chứa đựng giá trị văn hóa lớn lao của đất nước.

 

Bài viết khác