- Mona Lisa– nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa Italia Leonardo da Vinci (1452/1519) – đôi mắt nhẵn thín, không có cả lông mày và lông mi. Do khiếm khuyết của bản thân người mẫu hoặc bút vẽ thiếu chính xác, cẩu thả của danh họa? Cả hai giả thiết đều sai. Như TS. Pascal Cotte, nhà nghiên cứu hội họa Pháp có uy tín đã chứng minh năm 2007, thông qua scan bức tranh bằng thiết bị có độ phân giải cực cao, lông mày và bờ mi của nàng Mona Lisa được danh họa da Vinci mô tả rất rõ, nhưng chúng đã dần bị xóa sạch sau nhiều lần “phục chế”.
- Họa sĩ thiên tài Hà Lan Rembrandt (1606/1669) nổi tiếng không chỉ bởi những sáng tác bất hủ, mà còn vì sự nghèo túng đến tột cùng. Danh họa đói tiền đến mức, nó đã vô tình xui khiến đám sinh viên tinh nghịch nghĩ ra trò đùa tếu táo chọc cười thầy. Thí dụ, chúng rủ nhau đến lớp học sớm hơn thường lệ, dùng bột màu vẽ ra sàn nhà những tờ giấy bạc. Sau đó trốn vào góc phòng, nín thở chờ thầy Rembrandt. Rồi cả lũ ôm bụng cười, khi thầy xuất hiện và… hớn hở nhặt “tiền”!
- Tại sao các nhân vật trên những tranh chân dung và ảnh thời xưa phần nhiều đều thể hiện gương mặt buồn rượi, không khác gì tang lễ?Hoàn toàn không phải vì lý do tranh vẽ hoặc chụp ảnh thời đó đòi hỏi nhiều thời gian khiến người bình thường không thể duy trì nụ cười tươi tắn. Sự thật, thời đó cười trong bối cảnh như vậy bị coi là vô duyên, không thích hợp. Bằng chứng đã được chính Mark Twain (1835/1910), nhà văn Mỹ nổi tiếng khẳng định: “Tranh, ảnh chân dung là tài liệu quan trọng nhất. Vì thế, không có gì tệ hại hơn, khi đối tượng trưng nụ cười ngớ ngẩn, hình tượng vô duyên để lại muôn đời” (?!)
- Leonardo da Vinciđược giới chuyên môn xếp hạng một trong những danh họa thiên tài nhất lịch sử. Bất chấp thực tế, ông chỉ để lại cho nhân loại vỏn vẹn… 15 bức tranh. Tại sao Leonardo vẽ ít như vậy? Nhiều khả năng tất cả là lỗi đam mê liên tục thử nghiệm với những kỹ thuật khác nhau của danh họa. Tất nhiên cả lỗi đam mê nhiều lĩnh vực khoa học khác, kể cả những khám phá về hàng không và y học.
- Năm 2001,khi đội quân Taliban tàn phá những pho tượng Phật thời cổ đại ở Bamiyan, miền Trung Afghanistan, giới quan tâm đinh ninh đây sẽ là tổn thất không thể bù đắp. Trong khi hành động phá hoại di sản văn hóa đã vô tình dẫn đến khám phá vô giá. Ẩn giấu đằng sau những pho tượng bị tàn phá là hang động, nơi lưu giữ nhiều bức tranh hàng nghìn năm tuổi. Đó là những tác phẩm sơn dầu lâu đời nhất nhân loại được biết.
- Năm 1883, núi lửa Krakatoa(eo biển Sunda, Indonesia) bất ngờ phun trào. Tai họa khủng khiếp gây ra vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử nhân loại. Với cường độ âm thanh lên tới 200 dB trong bán kính 20km. Sự kiện làm hàng vạn người bị điếc vĩnh viễn. Nhiều tháng sau thảm họa, do hậu quả khí ga và bụi núi lửa phát tán đậm đặc vào bầu khí quyển trên toàn thế giới, xuất hiện nhiều buổi hoàng hôn có màu đỏ như máu. Một trong những kiệt tác hội họa ghi lại hiện tượng thiên nhiên là bức tranh “Tiếng thét” của danh họa Na Uy Edvard Munch (1813/1944). Trên nền hoàng hôn thấy rõ quang cảnh vùng đồi núi Ekeberg gần Oslo.
- Cặp vợ chồng nọ ở thành phố Bristol, Vương quốc Anhgặp rắc rối với nỗ lực bán ngôi nhà bởi bức tường đã bị phần tử nghịch ngợm nào đó bôi bẩn bằng bức graffiti (tranh phun sơn) khổng lồ. Những người mua tiềm năng bĩu môi, chê xấu. Mãi sau thời gian khá dài, bức tường trở thành nổi tiếng, khi các phương tiện truyền thông địa phương phát hiện, tác giả bức graffiti dị thường là họa sĩ đặc biệt tài hoa có bí danh Banksy. Và cơn sốt mang tên Banks bùng nổ. Cặp vợ chồng quyết định bán bức tranh, khuyến mại ngôi nhà. Kết quả, họ đã nhận được khoản tiền nhiều gấp 2 lần so với mức giá ban đầu kỳ vọng.
(Nguồn: 7 ciekawostek o malarzach i słynnych dziełach sztuki)